Tại sao lại gọi một số loài côn trùng là “côn trùng xã hội”
Những loài “côn trùng xã hội” sống thành tập đoàn mà chúng ta biết đến hiện nay là ong mật, một số loài ong vò vẽ, kiến và mối.
Một tập đoàn côn trùng xã hội, thường được tổ chức một cách hoàn hảo.
Các thành viên của nó phân chia nhau theo nhiều đẳng cấp, tùy theo những nhiệm vụ khác nhau mà cá thể đó đảm nhận.
Chẳng hạn trong một tập đoàn mối, Mối vua và Mối chúa chỉ tập trung vào nhiệm vụ sinh sản, duy trì nòi giống.
Mối thợ có trách nhiệm xây dựng ngôi nhà chung, và tìm kiếm thức ăn cho cả tập đoàn.
Trong khi đó, Mối lính với vũ khí là chiếc hàm sắc nhọn, có nhiệm vụ bảo vệ tổ mối và duy trì trật tự trong đàn.
Các đàn côn trùng này sống dưới nhiều hình thức quần xã. Ong vò vẽ thường sống trong những cái tổ rắc rối, trong những hố đất hoặc trong những thân cây rỗng.
Để ngăn tổ thành từng ô, chúng dùng những mảnh vách giấy do chúng làm ra bằng cách nhai gỗ trộn với nước bọt của mình.
Ong mật xây tổ bằng sáp. Loài mối thường xây một tòa lâu đài thực thụ với vóc dáng hùng vĩ.
Rất nhiều loài kiến đã đào được những “địa đạo” dưới lòng đất. Nhưng một số loài, ví dụ như loài kiến hiếu chiến ở Nam Mỹ và châu Phi thì mãi mãi sống trong cảnh du mục.